VAI TRÒ CỦA ĐỐI NGOẠI TRONG VIỆC XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN


Texte Universitaire, 2019

13 Pages, Note: Feshman


Extrait


MỤC LỤC

LỜI MỞ ĐẦU

NỘI DUNG

I. MỞ RỘNG QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI LÀ ĐÒI HỎI KHÁCH QUAN VÀ LÀ XU THẾ CHUNG CỦA THẾ GIỚI
1. Tính tất yếu của việc mở rộng quan hệ đối ngoại trong tư tưởng của V.I.Lenin
2. Sự phát triển của xu thế hội nhập trên thế giới

II. VAI TRÒ CỦA ĐỐI NGOẠI TRONG VIỆC XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN
1. Đối ngoại tạo động lực và điều kiện để cải cách toàn diện hướng tới xây dựng một xã hội mở, dân chủ hơn, và một nhà nước pháp quyền
2. Đối ngoại giúp mở rộng thị trường để thúc đẩy thương mại và các quan hệ kinh tế quốc tế khác, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội
3. Đối ngoại giúp bổ sung những giá trị và tiến bộ của văn hóa, văn minh của thế giới, làm giàu văn hóa dân tộc và thúc đẩy tiến bộ xã hội
4. Đối ngoại giúp đẩy mạnh nhận thức và vai trò của các quốc gia trong những vấn đề toàn cầu
5. Đối ngoại tạo điều kiện để các quốc gia nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế, cũng như khả năng duy trì an ninh, hòa bình và ổn định để phát triển

KẾT LUẬN

LỜI MỞ ĐẦU:

Nhà nước đã được ra đời từ rất sớm trên thế giới. Từ những Nhà nước chiếm hữu nô lệ đầu tiên, mọi quyền lực chính trị nằm trong tay giai cấp chủ nô của xã hội, trải qua nhiều thời kì thay đổi và phát triển, đến nay, các Nhà nước đã được tổ chức dựa trên quyền làm chủ của nhân dân, có sự phân chia quyền lực Nhà nước cùng với hệ thống pháp luật dân chủ, tiến bộ, thừa nhận và bảo vệ các quyền và tự do của con người trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội. Những nhà nước như vậy được gọi chung là Nhà nước Pháp quyền, phản ánh một trình độ tất yếu đạt tới của bộ máy nhà nước. Khi đã đạt đến trình độ tất yếu ấy, các quốc gia, dân tộc sẽ tập trung vào công cuộc củng cố và xây dựng Nhà nước Pháp quyền. Quá trình này cần có sự tham gia của rất nhiều yếu tố và được thực hiện theo cách riêng phù hợp với nền tảng cũng như điều kiện lịch sử, hay kinh tế, chính trị của từng quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, khi liên kết hợp tác ngày càng được đẩy mạnh, các quan hệ quốc tế đang ngày càng được coi trọng, đối ngoại đóng vai trò là bộ phận không thể thiếu của mỗi quốc gia. Do đó, bài tiểu luận này sẽ bàn về vai trò của Đối ngoại trong việc xây dựng Nhà nước Pháp quyền thông qua việc trả lời các câu hỏi: Tại sao cần phải mở rộng quan hệ đối ngoại? Đối ngoại góp phần như thế nào trong quá trình xây dựng Nhà nước Pháp quyền?

NỘI DUNG:

I. MỞ RỘNG QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI LÀ ĐÒI HỎI KHÁCH QUAN VÀ LÀ XU THẾ CHUNG CỦA THẾ GIỚI:

1. Tính tất yếu của việc mở rộng quan hệ đối ngoại trong tư tưởng của V.I.Lenin:

Trên cơ sở phân tích tính phụ thuộc lẫn nhau1 về kinh tế giữa các nước, V.I.Lenin đã chủ trương thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, bảo đảm những điều kiện quốc tế thuận lợi cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc và thực hiện sự hợp tác toàn diện với các quốc gia trẻ tuổi, đang phát triển; triệt để bảo vệ nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau, kiên quyết chống các lực lượng xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, giải thoát loài người khỏi một cuộc chiến tranh thế giới mới.

V.I.Lenin cũng lấy nguyên tắc đoàn kết quốc tế vô sản vì mục đích chính nghĩa làm nguyên tắc trong hoạt động đối ngoại của Đảng Công nhân dân chủ-xã hội Nga. Người cho rằng, Đảng Công nhân dân chủ-xã hội Nga phải ủng hộ mọi hành động quốc tế và cách mạng của quần chúng vô sản, cố gắng làm cho tất cả những thành phần chống chủ nghĩa Sô vanh xích lại gần nhau.

Không chỉ nhấn mạnh đến đối ngoại chính trị, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, V.I.Lenin đã chỉ ra rằng, mở cửa là nhu cầu khách quan để phát triển kinh tế ở mỗi nước và trên phạm vi thế giới. V.I.Lenin cho rằng, ngay cả chủ nghĩa tư bản, dẫu muốn “trừng phạt” nước Nga bằng cách phong tỏa cũng khó lòng thực hiện được bởi những lợi ích về mặt trao đổi kinh tế. Người nhấn mạnh, một trong những nhân tố quan trọng nhất góp phần cho sự cùng tồn tại hòa bình giữa hai hệ thống là các quan hệ kinh tế và phát triển buôn bán. Trong cuộc nói chuyện với phóng viên của tờ báo Mỹ “The World” , V.I.Lenin đã chỉ rõ sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các nước, vạch ra rằng, thế giới cần hàng hóa Nga. Người khẳng định, châu Âu phụ thuộc vào nước Nga bởi thiếu nước Nga thì châu Âu không thể đứng vững, mà khi châu Âu suy yếu thì tình hình nước Mỹ cũng sẽ rất khó khăn.

Đứng trước nhiệm vụ xây dựng kinh tế hết sức nặng nề, cần nguồn vốn khổng lồ, V.I.Lenin một mặt kêu gọi nhân dân tự lực cánh sinh phấn đấu gian khổ, tiết kiệm để tích lũy vốn; một mặt chủ trương mở rộng đối ngoại, lập công ty liên doanh để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. V.I.Lenin đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của độc quyền ngoại thương trong mở rộng quan hệ kinh tế với các nước tư sản cũng như trong việc giải quyết thắng lợi những nhiệm vụ của công cuộc xây dựng CNXH. Người cho rằng, chỉ trên cơ sở độc quyền ngoại thương, trên cơ sở nhà nước điều tiết một cách có kế hoạch nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa mới có thể giữ vững được nền kinh tế Xô Viết bấy giờ còn yếu ớt trước sự xâm nhập của tư bản nước ngoài, bảo đảm khôi phục và phát triển hơn nữa nền công nghiệp của đất nước, thu được lợi nhuận và tăng quỹ vàng-là những cái cần thiết để công nghiệp hóa đất nước.

Một hoạt động cũng được V.I.Lenin rất chú trọng là giao lưu văn hóa giữa các nước vì nó có ý nghĩa rất lớn đối với công tác thông tin, tuyên truyền và đối ngoại. Người quan tâm đến việc đầu tư tài lực và nhân lực cho hoạt động thu thập tài liệu, sách báo nước ngoài và tổ chức dịch, xuất bản, quảng bá những sách báo có giá trị… Có thể nói, chính sách đối ngoại của Nhà nước Xô Viết do V.I.Lenin đề xướng nhận được sự ủng hộ của hầu hết các dân tộc trên thế giới lúc bấy giờ.

2. Sự phát triển của xu thế hội nhập trên thế giới:

Hội nhập quốc tế là một quá trình tất yếu,2 do bản chất xã hội của lao động và quan hệ giữa con người. Các cá nhân muốn tồn tại và phát triển phải có quan hệ và liên kết với nhau tạo thành cộng đồng. Nhiều cộng đồng liên kết với nhau tạo thành xã hội và các quốc gia-dân tộc. Các quốc gia lại liên kết với nhau tạo thành những thực thể quốc tế lớn hơn và hình thành hệ thống thế giới.

Từ sau Chiến tranh thế giới II, đặc biệt là từ khi chấm dứt Chiến tranh lạnh, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất thế giới nhờ hàng loạt tiến bộ nhanh chóng về khoa học-công nghệ, xu thế hòa bình-hợp tác, nỗ lực tự do hóa-mở cửa của các nước đã thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong kinh tế, phát triển rất nhanh và trở thành một xu thế lớn của quan hệ quốc tế hiện đại. Quá trình này diễn ra trên nhiều cấp độ: song phương, đa phương, tiểu vùng, khu vực, liên khu vực và toàn cầu. Mức độ hội nhập cũng ngày một sâu sắc hơn, bao quát toàn diện hơn. Hầu hết mọi nước trên thế giới đã và đang tích cực tham gia vào quá trình này.

Trên cấp độ toàn cầu, ngay sau Chiến tranh thế giới II, Liên hiệp quốc và hàng loạt các tổ chức chuyên môn của Liên hiệp quốc ra đời với số lượng thành viên gia nhập ngày một nhiều hơn, bao quát hầu hết các nước trên thế giới. Đây là một tổ chức hợp tác toàn diện, bao quát hầu hết mọi lĩnh vực và có quy mô toàn cầu. Trong lĩnh vực thương mại, kể từ năm 1995 đến nay, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã có sự tham gia 153 quốc gia và vùng lãnh thổ với tư cách thành viên chính thức của Tổ chức này, khoảng 30 quốc gia khác đang trong quá trình đàm phán gia nhập.

Ở cấp độ khu vực, quá trình hội nhập phát triển rất nhanh trong những thập niên 1960 và 1970, đặc biệt “nở rộ” từ thập niên 1990 trở lại đây. Hàng loạt tổ chức/thể chế khu vực đã ra đời ở khắp các châu lục. Hầu như không một khu vực nào trên thế giới hiện nay không có các tổ chức/thể chế khu vực của riêng mình. Các tổ chức/thể chế khu vực về chính trị-an ninh và đặc biệt là kinh tế, chiếm nhiều nhất. Nhiều tổ chức/thể chế liên kết kinh tế liên khu vực được hình thành, ví dụ như APEC, ASEM, ASEAN với các đối tác ngoài khu vực chẳng hạn như Mỹ và EU (dưới dạng các PCA và FTA), EU với một số tổ chức/thể chế hoặc quốc gia ở các khu vực khác, v.v… Bên cạnh các cấp độ toàn cầu và khu vực, quá trình hội nhập giữa các nước còn được điều tiết bởi các hiệp định liên kết song phương, dưới dạng hiệp ước liên minh (chính trị, an ninh, quốc phòng), hiệp định đối tác toàn diện, hiệp định đối tác chiến lược, hiệp định kinh tế-thương mại (BFTA, BCU…). Từ cuối thập niên 1990 trở lại đây, xu hướng ký kết các hiệp định đối tác chiến lược và hiệp định mậu dịch tự do (BFTA) phát triển đặc biệt mạnh mẽ. Hầu hết các nước đều đã ký hoặc đang trong quá trình đàm phán các BFTA. Thậm chí, có nước hiện đã ký hoặc đàm phán tới hàng chục hiệp định BFTA (Singapore, Thái Lan, Nhật, Úc…).

Về phạm vi lĩnh vực và mức độ hội nhập, xem xét các thỏa thuận liên kết khu vực và song phương trong thời gian gần đây, có thể thấy rất rõ rằng các lĩnh vực hội nhập ngày càng được mở rộng hơn. Bên cạnh xu hướng đẩy mạnh hội nhập kinh tế, các nước cũng quan tâm thúc đẩy hội nhập trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là chính trị-an ninh và văn hóa-xã hội. Tiến trình hội nhập toàn diện trong EU đã đạt đến mức cao, biến tổ chức này trở thành một thực thể gần giống như một nhà nước liên bang. ASEAN cũng đang tiến hành mở rộng và làm sâu sắc tiến trình hội nhập khu vực một cách toàn diện hơn thông qua xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội. Hàng loạt các hiệp định đối tác toàn diện hay đối tác chiến lược song phương được ký kết gần đây bao quát khá toàn diện các lĩnh vực hợp tác và liên kết giữa các bên.

Rõ ràng, hội nhập quốc tế đã trở thành một xu thế lớn và một đặc trưng quan trọng của thế giới hiện nay. Không ít người khẳng định rằng chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa. Nói một cách khác, thời đại hội nhập toàn cầu. Xu thế này chi phối toàn bộ quan hệ quốc tế và làm thay đổi to lớn cấu trúc của hệ thống thế giới cũng như bản thân các chủ thể và mối quan hệ giữa chúng.

II. VAI TRÒ CỦA ĐỐI NGOẠI TRONG VIỆC XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN:

1. Đối ngoại tạo động lực và điều kiện để cải cách toàn diện hướng tới xây dựng một xã hội mở, dân chủ hơn, và một nhà nước pháp quyền:

Trong thế giới hiện đại, xu hướng hội nhập quốc tế chiếm ưu thế trong quan hệ quốc tế. Để hội nhập quốc tế mang lại thành quả cho đất nước thì bộ máy nhà nước phải có những thay đổi tích cực. Theo đó, xây dựng chính quyền dân chủ hiện đại là xu hướng của xã hội văn minh, phù hợp với sự phát triển của thế giới. Bất luận chính quyền nào muốn tồn tại và được công nhận đều phải dựa trên cơ sở hiến pháp. Hiến pháp đã pháp lý hóa, hợp thức hóa quyền lực của chính quyền, tạo ra sự chính danh cho chính quyền để từ đó chính quyền quản lý quốc gia và hội nhập quốc tế. Để có một chính quyền dân chủ, bản thân hiến pháp phải chứa đựng tư tưởng, thiết chế dân chủ để chính quyền vận hành theo tư tưởng và thiết chế sẵn có trong hiến pháp. Chính quyền phải xác định con người vừa là động cơ, vừa là mục đích phát triển, hoạt động vì lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, cũng như nhận thức được những vấn đề, xu hướng vận động của xã hội hiện đại, đủ sức lựa chọn và giải quyết những vấn đề đó để không bị lạc hậu, lạc điệu với thế giới. Một chính quyền lạc hậu thì cách thức tổ chức, vận hành và hoạt động không theo kịp các bước tiến của nhân loại, sẽ dẫn đến kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Ở Việt Nam để thực hiện dân chủ, chúng ta đang xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân, theo đó dân chủ trong xã hội và dân chủ trong Đảng được mở rộng và bảo đảm thực hiện bằng quy định của pháp luật. Hệ thống chính trị được đổi mới, hoàn thiện theo hướng các tổ chức đảng hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, chính quyền quản lý xã hội bằng pháp luật, không có ai đứng trên và đứng ngoài pháp luật. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên tiếp tục phát huy vai trò dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp, phản biện xã hội quy tụ các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để có được chính quyền dân chủ thì mô hình nhà nước tốt nhất hiện nay là xây dựng nhà nước pháp quyền văn minh. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ phương hướng nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”. Để xây dựng chính quyền dân chủ thực sự vì dân, các chính sách phải hướng về quyền lợi của dân. Do vậy, khi phải giải quyết mâu thuẫn giữa lợi ích của chính quyền, lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của dân chúng cần công tâm đặt lợi ích của đất nước, của dân chúng lên trên các lợi ích nhóm, qua đó thể hiện bản chất dân chủ của chính quyền, thể hiện thái độ công bộc của cán bộ, công chức.

Cùng với đó, Việt Nam cũng đang trong nỗ lực thiết kế được bộ máy nhà nước hiện đại với cấu trúc tinh gọn nhưng hiệu quả cao nhất, có sự phân công lao động chuyên môn hợp lý giữa ba cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và được chế định không cơ quan nào vượt lên trên hiến pháp. Bộ máy nhà nước hiện đại ngày nay phải được phân cấp, phân quyền rộng rãi cho địa phương, bộ máy và đội ngũ công chức vận hành theo luật chứ không chỉ theo mệnh lệnh hành chính từ trên xuống. Bộ máy nhà nước hiện đại phải là bộ máy ứng dụng được nhiều thành tựu khoa học nhất vào cách thức tổ chức và hoạt động của mình mà mô hình hiện nay là một chính phủ điện tử, thành phố thông minh. Trong đó, chính quyền kịp thời phản ứng trước các đổi thay của xã hội và tự nhiên như bệnh dịch, biến đổi khí hậu, di dân. Mối quan hệ giữa chính quyền và dân chúng được giao dịch, giải quyết dựa vào công nghệ thông tin. Những công nghệ này sẽ cung cấp các dịch vụ tốt hơn, cải thiện sự tương tác giữa chính quyền với doanh nghiệp, tăng cường quyền lực cho công dân thông qua việc truy cập thông tin giám sát chính phủ hiệu quả hơn. Các lợi ích mang lại khi xây dựng chính phủ điện tử như có thể giúp giảm tiêu cực, tham nhũng, nâng cao sự minh bạch, bớt các thủ tục hành chính phiền hà, nhũng nhiễu.3

2. Đối ngoại giúp mở rộng thị trường để thúc đẩy thương mại và các quan hệ kinh tế quốc tế khác, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội:

Từ sau chiến tranh Thế giới thứ II, sự phát triển vượt bậc của các lực lượng sản xuất cùng với sự ra đời của các nền kinh tế thị trường đã thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình liên kết, hợp tác giữa các quốc gia. Các quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh cần mở rộng thị trường giao thương hàng hóa, đầu tư và chuyển giao công nghệra nước ngoài, đồng thời tận dụng và khai thác được các nguồn lực từ bên ngoài (tài nguyên, lao động, thị trường); từ đó gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của mình trên trường quốc tế. Song song đó, các quốc gia có nền kinh tế kém phát triển hơn cũng cần thúc đảy tiến trình quan hệ hợp tác kinh tế với các nền kinh tế lớn nhằm tranh thủ nguồn vốn, công nghệ và cơ hội xuất khẩu hàng hóa, từng bước thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Từ lợi ích hai chiều này, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã diễn ra ở nhiều cấp độ và ngày càng sâu sắc, toàn diện hơn với sự tham gia của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Do đó, ngày nay, cùng với sự ra đời của các tổ chức, liên minh kinh tế và các thị trường chung, có thể kể đến như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hay Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC), đối ngoại đã và đang đóng vai trò rất lớn trong nền kinh tế của mỗi quốc gia. Việc đẩy mạnh công tác đối ngoại trong kinh tế giúp các quốc gia tiếp cận thị trường quốc tế, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ lực lượng sản xuất. Trong đó, cơ cấu kinh tế thế giới có bước chuyển dịch mạnh về chất: Tỷ trọng các ngành công nghiệp chế tạo và dịch vụ dựa vào công nghệ cao và tri thức tăng mạnh. Đây là cơ hội và tiền đề hết sức quan trọng cho sự phát triển và hiện đại hóa xã hội loài người. Các nước có nền kinh tế chậm phát triển nhờ tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế sẽ có điều kiện tiếp nhận các nguồn lực phát triển từ bên ngoài như vốn đầu tư nước ngoài, công nghệ chuyển giao, kinh nghiệm tổ chức quản lý… khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước như lao động, đất đai, tài nguyên… thúc đẩy nhanh sự tăng trưởng kinh tế trong nước. Cùng với đó, khi thị trường được mở rộng, sự giao lưu hàng hóa thông thoáng hơn, hàng rào quan thuế và phi quan thuế bị dỡ bỏ, nhờ đó trao đổi hàng hóa tăng mạnh, có lợi cho sự phát triển của các nước. Những điều này tạo điều kiện cho các quốc gia cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó sử dụng hợp lí các lợi thế trong nước để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, việc hội nhập kinh tế còn làm làm tăng khả năng thu hút đầu tư vào nền kinh tế, giúp phân công lao động trong nước và quốc tế, nâng cao trình độ của nguồn nhân lực và tiếp cận với những thành tựu mới của khoa học – công nghệ để phát triển.

Ví dụ, Việt Nam khi tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã có thêm nhiều cơ hội để mở rộng thị trường ở cả trong và ngoài khu vực, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, từ đó góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội như: tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) cũng như mở rộng cơ hội đầu tư sang các nước ASEAN và cơ hội kinh doanh từ bên ngoài; tạo cơ hội để các doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh, tiếp cận các nguồn hỗ trợ về khoa học công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến, góp phần nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Không những thế, việc đẩy mạnh hợp tác và xuất khẩu các loại hàng hóa còn góp phần giải quyết vấn đề việc làm, tạo điều kiện tìm kiếm việc làm cả ở trong lẫn ngoài nước.4

3. Đối ngoại giúp bổ sung những giá trị và tiến bộ của văn hóa, văn minh của thế giới, làm giàu văn hóa dân tộc và thúc đẩy tiến bộ xã hội:

Trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập, giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các nước, các khu vực khiến cho khoảng cách địa lý không còn nhiều ý nghĩa. Công nghệ thông tin, với việc sử dụng viễn thông, vô tuyến, khả năng truy cập internet nhanh và hiệu quả vào kho kiến thức vô tận của nhân loại đang làm giáo dục dựa trên công nghệ ấy trở thành giáo dục phổ thông, thường xuyên và từ xa. Chưa bao giờ cầu nối giữa con người với con người, quốc gia với quốc gia bị rút ngắn đến mức thấp nhất như vậy. Đó là cơ hội để hòa nhập, để hiểu nhiều hơn những nền văn hóa khác, qua đó cũng để hiểu mình hơn, hiểu rõ và sâu hơn nét riêng của mình. Trong quá trình giao thoa văn hóa, giá trị và di sản của các quốc gia được giới thiệu, quảng bá rộng rãi đến mọi người. Các quốc gia, dân tộc xích lại gần nhau hơn, từ đó có thể chia sẻ, hợp tác, mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nghệ thuật làm phong phú kho tàng văn hóa dân tộc mình, thụ hưởng tốt hơn thành quả văn hóa của nhân loại.

Không chỉ đối với văn hóa chung của dân tộc, đối ngoại còn giúp các cá nhân tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài và những nền văn hóa lớn. Qua đó con người trên thế giới học hỏi những tri thức và văn minh nhân loại từ khắp mọi nơi, mở rộng tư duy, bồi dưỡng và trau dồi tinh thần, nhân cách, thay đổi lối sống theo những chiều hướng tích cực. Đặc biệt đối với thế hệ trẻ ở các quốc gia, đối ngoại về văn hóa giúp họ trở nên năng động, sáng tạo, xây dựng tính cộng đồng và trở thành những công dân toàn cầu, không chỉ có những đóng góp cho đất nước của mình mà còn tham gia vào những vấn đề lớn của nhân loại.

4. Đối ngoại giúp đẩy mạnh nhận thức và vai trò của các quốc gia trong những vấn đề toàn cầu:

Trong quá trình phát triển, các Nhà nước Pháp quyền không chỉ gặp những khó khăn của riêng mình mà còn phải đối mặt với những vấn đề chung của cả nhân loại, mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, khủng bố, buôn lậu ma túy hay nâng cao mức sống của người dân nghèo ở các quốc gia. Đó là những vấn đề rất lớn mà nếu không được quan tâm đúng mực của chính quyền thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích và sự phát triển bền vững của mỗi đất nước. Do đó, không thể chỉ dựa vào riêng một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào có thể tự giải quyết được mà phải có sự hợp tác của nhiều nước để tìm hướng giải quyết và chung tay hành động. Trong trường hợp này, chúng ta càng không thể phủ nhận vai trò của công tác đối ngoại của mỗi quốc gia nhằm góp phần vào việc giải quyết những vấn đề chung của thế giới.

Hiện nay, biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề cấp bách của nhân loại mà quốc gia nhận thấy rằng đây là vấn đề chung và phải hợp tác quốc tế mới giải quyết được. Trên thực tế, sự hợp tác trong vấn đề môi trường đã tăng lên mạnh mẽ trong khoảng 40 năm qua, các tổ chức quốc tế về môi trường ngày càng phát triển, tích cực tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng thế giới, tác động vào các chính phủ để đưa ra các chính sách bảo vệ môi trường, phản đối các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, tổ chức và hỗ trợ các chương trình môi trường và thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động hợp tác xuyên quốc gia. Các tổ chức quốc tế về môi trường đã thực sự ghi được dấu ấn trong cộng đồng quốc tế. Đến nay, số lượng các tổ chức quốc tế về môi trường đã tăng lên rất nhiều, bao gồm các tổ chức liên chính phủ (IGO) và phi chính phủ (NGO), hoạt động trên cấp độ toàn cầu và khu vực. Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biển đổi khí hậu, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng, cùng với đồng bằng sông Nin (Ai Cập) và đồng bằng sông Gange (Bănglađét). Trong nhiều năm qua, Việt Nam là một quốc gia được hỗ trợ nhiều trong vấn đề môi trường thông qua các thỏa thuận song phương. Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận với nhiều nước về vấn đề môi trường như Mỹ, Nhật Bản, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức, Anh,… Ngoài ra, Việt Nam cũng ký tắt với Liên minh châu Âu (EU) Hiệp định Khung về đối tác và hợp tác toàn diện (PCA), trong đó có hợp tác giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đã ký với Hà Lan thỏa thuận “Đối tác chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước”.5

Gần đây, trong những tháng đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đang là mối quan tâm hàng đầu của thế giới. Đại dịch đang diễn ra trên 236 vùng quốc gia và vùng lãnh thổ của thế giới và vẫn có khả năng lan rộng hơn. Trong tình hình này, công tác đối ngoại và hợp tác giữa các quốc gia và khu vực càng được đẩy mạnh để chống lại dịch bệnh toàn cầu. Trong một cuộc hội thảo cấp bộ trưởng ASEAN-EU về hợp tác đối phó với dịch bệnh vào ngày 20 tháng 3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, đã khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên ASEAN, các đối tác, Tổ chức Y tế Thế giới và cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống COVID -19 đại dịch. ASEAN đã thể hiện quyết tâm cao nhất để chống lại dịch bệnh bằng cách ban hành Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN và tuyên bố của các bộ trưởng phụ trách quốc phòng, kinh tế và du lịch về các biện pháp cùng nhau chống lại COVID-19. Ông Phạm Bình Minh khẳng định, trong tương lai gần, ASEAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hành động cụ thể và hợp tác với các đối tác liên quan. Ông đề nghị EU cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và đối tác trong nghiên cứu khoa học về kiểm soát và điều trị bệnh, do đó giảm thiểu tác động kinh tế xã hội. ASEAN và EU đã đồng ý tăng cường chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, tham vấn chính sách, đặc biệt là trong chẩn đoán, điều trị và sản xuất vắc-xin. Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu và Đại diện cao của Liên minh Chính sách đối ngoại và An ninh châu Âu Josep Borrel đề xuất rằng các nước ASEAN giúp công dân EU đi du lịch ở Đông Nam Á dễ dàng hơn khi trở về nước. Các nước thành viên ASEAN cũng mong muốn EU sẽ điều trị cho những công dân bị nhiễm bệnh đang sống và làm việc ở châu Âu. Qua đó, chúng ta thấy được vai trò quan trọng của đối ngoại trong các vấn đề toàn cầu không chỉ đối với mỗi quốc gia trong quá trình xây dựng Nhà nước mà còn đối với các tổ chức, khu vực trong quá trình phát triển bền vững.6

5. Đối ngoại tạo điều kiện để các quốc gia nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế, cũng như khả năng duy trì an ninh, hòa bình và ổn định để phát triển:

Hoạt động đối ngoại góp phần quan trọng vào việc duy trì và củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi quốc gia.Việc mở rộng và nâng lên tầm cao mới các mối quan hệ hợp tác, đối tác với nhiều quốc gia, trong đó có các nước lớn hay các tổ chức giúp nâng cao vị thế của các nước trên trường quốc tế, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Đồng thời, đối ngoại cũng góp phần xứng đáng vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, nhằm giữ quan hệ hòa hảo với các nước hay tránh được những tranh chấp không đáng có để duy trì an ninh, hòa bình và ổn định để phát triển. Có thể nói, trong thời bình, đối ngoại đóng vai trò tiên phong trong công cuộc bảo vệ độc lập và chủ quyền đất nước.

Năm 2020 có thể coi là năm bận rộn của đối ngoại Việt Nam ngay từ tuần đầu, tháng đầu, quý đầu. Bởi, năm 2020, Việt Nam sẽ chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) theo luân phiên bắt đầu nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc bằng chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an ngay từ tháng 1/2020. Nói một cách khác, năm 2020 là năm Việt Nam sẽ thể hiện vai trò kép của mình trên bình diện ngoại giao đa phương: Cả trong khu vực và trên thế giới. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn, không chỉ phản ánh sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với vị thế của một Việt Nam đổi mới, hội nhập quốc tế, mà còn là sự tin tưởng, kỳ vọng vào những đóng góp đầy trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế trong những năm tới. Cùng với đó, nó đã khẳng định vai trò quan trọng của đối ngoại trong việc củng cố vị thế của mỗi quốc gia trên thế giới.7

KẾT LUẬN

Như vậy, đối ngoại đã trở thành một trụ cột quan trọng, bên cạnh các trụ cột chính trị, kinh tế và văn hóa, nhằm phục vụ hiệu quả cho nhu cầu phát triển của Nhà nước Pháp quyền. Do đó, chính sách đối ngoại thường được coi là “cánh tay nối dài” của chính sách đối nội, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, hay bảo vệ tối đa lợi ích quốc gia nói chung8. Đặc biệt trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, khi không quốc gia nào có thể tồn tại biệt lập và sự giao lưu, hợp tác ngày càng được chú trọng, đối ngoại đã và cần tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế là một trong những trụ cột phát triển của các quốc gia, góp phần duy trì và củng cố môi trường an ninh, ổn định, độc lập lãnh thổ, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá và nâng cao hình ảnh mỗi quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, công tác đối ngoại không chỉ mang lại những lợi ích mà còn đặt ra những thách thức rất lớn đối với mỗi đất nước trong việc duy trì nền kinh tế độc lập, tự chủ; giữ vững an ninh quốc gia hay sử dụng hợp lí tài nguyên, bảo vệ môi trường và khoảng cách giàu nghèo. Đứng trước những vấn đề đó, mỗi Nhà nước Pháp quyền cần có đường lối đúng đắn dựa trên điều kiện, trình độ phát triển và năng lực quốc gia để hạn chế bất lợi và khai thác các cơ hội và lợi ích của hội nhập để đạt được tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội cao, phát triển ổn định và tạo dựng được vị thế quốc tế.

[...]


1 Báo quân đội nhân dân: https://www.qdnd.vn/100-nam-cach-mang-thang-muoi-nga-vi-dai/tu-lieu/tu-tuong-ve-doi-ngoai-cua-v-i-lenin-trong-hoi-nhap-quoc-te-521822

2 Nghiên cứu Biển Đông: http://www.nghiencuubiendong.vn/toan-cau-hoa-hoi-nhap-kinh-te/2014-hoi-nhap-quoc-te-mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien

3 Tạp chí Tổ chức Nhà nước: https://tcnn.vn/news/detail/38982/Xay_dung_chinh_quyen_dan_chu_hien_dai_de_hoi_nhap_va_phat_trienall.html

4 Bộ Công thương Việt Nam: https://moit.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/thanh-tuu-va-%C4%91inh-huong-phat-trien-cua-viet-nam-trong-tru-cot-cong-%C4%91ong-kinh-te-asean-16201-22.html

5 Lý luận chính trị: http://www.lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/1064-bien-doi-khi-hau-va-quan-he-quoc-te.html

6 Báo Nhân dân: https://en.nhandan.org.vn/world/item/8506002-beijing-strengths-nucleic-acid-testing-of-coronavirus-at-border-entry.html

7 Báo Đại đoàn kết: http://daidoanket.vn/chinh-tri/doi-ngoai-viet-nam-2020-ban-ron-voi-vai-tro-kep-tintuc457276

8 Nghiên cứu quốc tế: http://nghiencuuquocte.org/2015/01/25/chinh-sach-doi-ngoai/

Fin de l'extrait de 13 pages

Résumé des informations

Titre
VAI TRÒ CỦA ĐỐI NGOẠI TRONG VIỆC XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN
Note
Feshman
Auteur
Année
2019
Pages
13
N° de catalogue
V955617
ISBN (ebook)
9783346295828
Langue
vietnamien
Mots clés
ngoại, trong, việc, dựng, nước, pháp, quyền
Citation du texte
Le Diep (Auteur), 2019, VAI TRÒ CỦA ĐỐI NGOẠI TRONG VIỆC XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN, Munich, GRIN Verlag, https://www.grin.com/document/955617

Commentaires

  • Pas encore de commentaires.
Lire l'ebook
Titre: VAI TRÒ CỦA ĐỐI NGOẠI TRONG VIỆC XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN



Télécharger textes

Votre devoir / mémoire:

- Publication en tant qu'eBook et livre
- Honoraires élevés sur les ventes
- Pour vous complètement gratuit - avec ISBN
- Cela dure que 5 minutes
- Chaque œuvre trouve des lecteurs

Devenir un auteur